HOTLINE HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN KHÁCH HÀNG 24/24

Xuất nhập khẩu là gì? Vai trò, quy trình, nhân tố ảnh hưởng

Xuất nhập khẩu là gì? Đây là chủ đề được rất nhiều khách hàng quan tâm. Hoạt động xuất nhập khẩu giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Những nhân tố nào ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của một quốc gia và quy trình xuất nhập khẩu nào là tốt nhất? Hãy cùng theo dõi trong bài viết dưới đây.

 

I. Xuất nhập khẩu là gì? Các thuật ngữ liên quan

1. Xuất nhập khẩu là gì?

Xuất nhập khẩu là hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ giữa các quốc gia hoặc các vùng lãnh thổ với nhau trên cơ sở sử dụng tiền tệ làm phương thức thanh toán. Trong đó, xuất khẩu là việc bán hàng hóa, dịch vụ,… cho quốc gia khác; nhập khẩu là hoạt động mua hàng hóa, dịch vụ từ các quốc gia khác trên thế giới.

Bên cạnh đó, quý khách hàng có thể tham khảo khái niệm xuất nhập khẩu là gì trong điều 28 Luật thương mại năm 2005, cụ thể như sau:

  • Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.
  • Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.

Hoạt động xuất nhập khẩu được đo lường, đánh giá thông qua chỉ tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu là tổng giá trị xuất nhập khẩu của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định, thường là năm, quý, tháng hoặc một giai đoạn cụ thể. Tại Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu được tính theo đơn vị USD.

Xuất nhập khẩu là gì?

 

2. Các thuật ngữ cơ bản trong ngành xuất nhập khẩu

Xuất nhập khẩu là một lĩnh vực rất rộng, hoạt động xuất nhập khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc quốc tế. Chính vì vậy, ngành nghề xuất nhập khẩu có rất nhiều khái niệm chuyên ngành cần nắm rõ. Dưới đây là một số thuật ngữ cơ bản và được sử dụng thường xuyên:

STT Thuật ngữ Nội dung
1 Incoterms

Đây là cụm từ viết tắt của International Commerce Tems – Bộ quy tắc thương mại quốc tế với nội dung là những quy định mà các bên tham gia hoạt động thương mại quốc tế cần tuân thủ.

2 UCP UCP là từ viết tắt của The Uniform Custom and Practice for Documentary Credits – Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ.
3 Air freigh Cước phí cho hoạt động vận chuyển bằng đường hàng không
4 Ocean freight (O/F) OF trong xuất nhập khẩu là gì? Đây là Cước phí cho hoạt động vận tải đường biển
5 Bill of Lading – Vận đơn Vận đơn là loại chứng từ vận tải được đơn vị vận chuyển phát hành sau khi họ nhận hàng hóa để vận chuyển, có giá trị như việc đơn vị vận chuyển xác nhận đã nhận hàng hóa và mang đi.
6 Custom clearance – Việc thông quan Hoàn thành các thủ tục hải quan quy định để cấp phép cho hàng hóa xuất khẩu khỏi một nước hoặc nhập khẩu vào nước đối tác.
7 Certificate of Orgin – C/O Giấy chứng nhận xuất xứ chứng minh nguồn gốc hàng hóa của một quốc gia khi tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế.
8 Delivery Order – D/O Chi phí cho lệnh giao hàng, nộp cho hải quan để hoàn tất quá trình nhập hàng
9 Certificate of Quality – CQ Giấy chứng nhận chất lượng, thể hiện hàng hóa đạt đủ tiêu chuẩn quốc gia hay quốc tế.
10 Purchase Order – PO Văn bản pháp lý mà người mua gửi cho người bán để ghi lại việc bán các sản phẩm và dịch vụ sẽ được giao vào một ngày muộn. 
11 HS code Hệ thống mô tả và mã hóa hàng, phân loại hàng hóa theo quy chuẩn quốc tế, dùng để xác định thuế xuất nhập khẩu hàng hóa.
12 Parking list Bảng kê chi tiết các mặt hàng và quy cách đóng gói hàng hóa.
13 Container Freight Station – CFS Hệ thống kho tách rời được các tổ chức/doanh nghiệp dùng làm địa điểm tập kết, thu gom/tách hàng lẻ
14 Less than container Load – LCL Một lô hàng ghép hay hàng không đủ lớn để chất đầy một công-te-nơ hàng hóa, được kết hợp với nhiều chủ hàng khác để vận chuyển cùng một toa xe. LCL được nhóm với các lô hàng khác đến cùng một điểm đến trong một container tại kho CFS
15 All in rate – Cước toàn bộ Tổng số tiền bao gồm cước thuê tàu, phụ phí và các khoản phí khác mà người thuê phải trả cho người chuyên chở.
16 Bulker Adjustment Factor (BAF) Hệ số điều chỉnh giá nguyên liệu: Là tỷ lệ phần trăm mà chủ tàu công bố làm xơ sở tính phí điều chỉnh nhiên liệu trong trường hợp nguyên liệu sử dụng cho tàu tăng giá bất thường vào một thời điểm nào đó. Chi phí này còn được gọi là tiền phụ thu nhiên liệu.
17 POD Chứng từ được xác nhận khi nhà cung cấp dịch vụ vận tải hoàn tất việc giao hàng cho người nhận theo thỏa thuận hợp đồng.
18 Cubic Meter – CBM Đại lượng tính chi phí vận chuyển (mét khối)
19 Telegraphic Transfer (TT) Hình thức thanh toán quốc tế, trong đó ngân hàng chuyển một khoản tiền cho người xuất khẩu thông qua đấu thầu trong sự chỉ định của nhà nhập khẩu
20 Seal Tem niêm phong hàng hóa mà đơn vị vận chuyển phải đảm bảo nguyên vẹn đến tay người nhận và chịu trách nhiệm liên quan trước pháp luật nếu xảy ra trường hợp hàng hóa mất seal trong quá trình vận chuyển.

II. Các loại hình xuất nhập khẩu

Khi tìm hiểu về chủ đề xuất nhập khẩu là gì, các loại hình xuất nhập khẩu là nội dung không thể bỏ lỡ. Trên thị trường quốc tế, các nhà kinh doanh giao dịch trao đổi với những cách khác nhau. Tựu chung lại, có một số loại hình xuất nhập khẩu phổ biến như sau:

1. Xuất nhập khẩu trực tiếp

Trong hình thức xuất nhập khẩu này, hai bên mua bán hàng hóa sẽtrực tiếp ký kết hợp đồng ngoại thương. Hợp đồng ký kết giữa hai bên phải phù hợp với luật lệ của quốc gia cũng như thông lệ mua bán quốc tế. Hình thức xuất nhập khẩu trực tiếp thích hợp đối với gần như mọi loại hình doanh nghiệp, giúp họ chủ động được hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế của doanh nghiệp mình. Xuất khẩu trực tiếp cũng là sự lựa chọn tối ưu của các doanh nghiệp đang muốn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.

2. Xuất nhập khẩu ủy thác là gì?

Xuất nhập khẩu ủy thác hay còn được gọi là xuất nhập khẩu gián tiếp. Với hình thức này, bên cung cấp hàng hóa sẽ ủy thác cho một đơn vị khác gọi là bên nhận ủy thác để tiến hành xuất khẩu trên danh nghĩa của bên nhận ủy thác.

Để thực hiện hình thức xuất nhập khẩu này, doanh nghiệp nhận ủy thác cần ký kết hợp đồng xuất khẩu ủy thác với đơn vị trong nước. Bên nhận ủy thác sẽ ký kết hợp đồng xuất khẩu, giao hàng và thanh toán đối với đơn vị nước ngoài và cuối cùng là nhận phí ủy thác xuất khẩu từ chủ hàng đã ủy thác xuất khẩu.

Thông thường, các doanh nghiệp chưa có đủ thông tin cần thiết về thị trường nước ngoài, hay có quy mô kinh doanh còn nhỏ, nguồn lực hạn chế hoặc chịu nhiều rào cản từ phía nhà nước sẽ áp dụng hình thức xuất khẩu này.

Loại hình xuất nhập khẩu ủy thác

 

3. Xuất nhập khẩu tái xuất

Đây là hình thức thực hiện xuất khẩu trở lại sang nước mua khác những hàng hóa đã mua ở nước ngoài nhưng chưa qua chế biến ở nước tái xuất. Mục đích của việc thực hiện giao dịch tái xuất khẩu là mua hàng hóa ở nước này rồi bán hàng hóa với giá cao hơn cho nước khác và thu về lợi nhuận.

Hoạt động tái xuất khẩu được chia làm 2 hình thức: hình thức tạm nhập – tái xuất và hình thức chuyển khẩu.

  • Hình thức tạm nhập – tái xuất: Mua hàng hóa của một nước và bán cho nước khác trên cơ sở hợp đồng mua bán ngoại thương, làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào, sau đó làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa mà không qua gia công, chế biến.
  • Hình thức chuyển khẩu: Hàng hóa chuyển khẩu được chia thành 2 loại. Một là hàng hóa sau khi nhập cảnh được phép vận chuyển đến một địa điểm hải quan khác làm thủ tục hải quan nhập khẩu. Hai là hàng hóa ở nơi vận chuyển ban đầu đã làm thủ tục hải quan xuất khẩu vận chuyển đến một nơi xuất cảnh, do hải quan nơi xuất cảnh giám sát, quản lý và thông quan.

4. Xuất nhập khẩu tại chỗ là gì?

Xuất khẩu tại chỗ là hình thức các lô hàng được bán cho thương nhân nước ngoài nhưng lại được giao đến một đơn vị ở trong nước theo sự chỉ định của thương nhân nước ngoài đó. Doanh nghiệp xuất khẩu có thể là doanh nghiệp trong nước và cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hình thức xuất nhập khẩu này phổ biến với nhiều doanh nghiệp nhờ những lợi ích mà nó mang lại: Tiết kiệm chi phí và thời gian vận tải cho các doanh nghiệp, hưởng nhiều ưu đãi về thuế suất,…

Xuất nhập khẩu tại chỗ được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng

 

III. Vai trò của xuất nhập khẩu là gì?

Hoạt động xuất nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Không chỉ vậy, xuất nhập khẩu còn góp phần giải quyết vấn đề công ăn việc làm và cải thiện đời sống của người dân.

1. Nhập khẩu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân

Một số quốc gia vùng lãnh thổ không thể tự sản xuất được những hàng hóa nhất định (Chẳng hạn: Bamboo Airways đặt mua dòng máy bay Boeing 777X – mặt hàng mà Việt Nam không thể sản xuất được). Khi đó, nhập khẩu hàng từ nước khác là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu còn giúp đa dạng hóa mặt hàng sản phẩm có trên thị trường, tạo động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước cải tiến sản phẩm và tối ưu hóa quy trình sản xuất.

2. Xuất nhập khẩu mở rộng và thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại

Hoạt động xuất nhập khẩu tạo điều kiện cho hàng hóa được lưu thông trên một thị trường rộng lớn hơn, mở ra cơ hội giao thương, hợp tác xuyên biên giới, thúc đẩy kinh tế chung của các nước. Do đó, đẩy mạnh xuất nhập khẩu làm tăng cường sự hợp tác quốc tế. Mặt khác, chính các quan hệ kinh tế đối ngoại lại tạo điều kiện để mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu tác động trực tiếp đến cán cân thương mại, tác động sâu rộng đến nhiều ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế thế giới. Kim ngạch xuất khẩu tăng hay kim ngạch xuất khẩu giảm tác động thuận chiều, bù đắp vào thâm hụt cán cân thương mại và ngược lại.

3. Xuất khẩu thúc đẩy sản xuất theo hướng tận dụng lợi thế cạnh tranh quốc gia

Khi tham gia vào thị trường quốc tế, hàng hóa của một quốc gia phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa từ các quốc gia khác. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn luôn đổi mới công nghệ sản xuất và quy trình quản lý kinh doanh, mở rộng quy mô đầu tư theo hướng ngày càng hiện đại và hiệu quả.

Mặt khác, xuất khẩu đồng thời thúc đẩy những ngành sản xuất cung cấp đầu vào cho các ngành sản xuất xuất khẩu, kích thích các lĩnh vực kinh tế đối ngoại như vận tải quốc tế, dịch vụ hải quan, bảo hiểm quốc tế,… cùng phát triển. Như vậy, xuất khẩu mở rộng sẽ tạo mối liên hệ gắn kết, thúc đẩy lẫn nhau giữa các lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế ngày càng hợp lý.


Hoạt động xuất nhập khẩu đóng vai trò lớn đối với nền kinh tế

4. Xuất khẩu mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn, tạo nguồn vốn nhập khẩu công nghệ hiện đại

Hiện nay các nước đang phát triển thiếu vốn và kỹ thuật công nghệ nhưng lao động và nguồn tài nguyên thiên nhiên rất dồi dào trong khi đó các nước phát triển lại dồi dào về vốn và khoa học kỹ thuật. Để giải quyết tình trạng này họ buộc phải nhập khẩu những yếu tố nguồn lực sản xuất mà trong nước chưa có hoặc khó khăn trong sản xuất. Nghĩa là họ cần một nguồn ngoại tệ lớn.

Để có được nguồn ngoại tệ đó, các nước đang phát triển cần đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có thể sản xuất như nông sản, hàng dệt may,… Chính vì vậy, hoạt động xuất nhập khẩu có ý nghĩa thiết thực: không những thu về rất một nguồn ngoại tệ lớn mà quan trọng hơn còn là cơ hội phát huy các lợi thế so sánh của đất nước, nhập khẩu công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để mở rộng các ngành nghề sản xuất.

5. Xuất khẩu góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống người dân

Trước hết, sản xuất hàng xuất khẩu thu hút một lượng lớn lao động tham gia vào với mức thu nhập cao. Xuất khẩu tạo ra nguồn vốn ngoại tệ để nhập khẩu vật phẩm tiêu dùng phục vụ đời sống nhân dân. Đồng thời xuất khẩu cũng tác động tích cực đến trình độ tay nghề và thay đổi thói quen của những người sản xuất hàng xuất khẩu.

IV. Các nhân tố ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu là gì?

Có nhiều nhân tố tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của một quốc gia. Tựu chung lại, có 2 nhóm nhân tố chính và ảnh hưởng đáng kể như sau: Nhóm nhân tố chủ quan từ các quốc gia và nhóm nhân tố khách quan từ tình hình vĩ mô thế giới.

1. Nhân tố chủ quan từ các quốc gia

a. Chiến lược phát triển và hệ thống pháp luật của quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu

Chiến lược phát triển của mỗi quốc gia là một hệ thống các quan điểm mục tiêu cần đạt được trong một thời kỳ dài. Dựa theo chiến lược, chính sách, các quốc gia sẽ có những quy định pháp luật cụ thể về hoạt động xuất nhập khẩu cũng như công tác quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu để đạt được mục tiêu chung của đất nước.

b. Nhu cầu tiêu dùng của nước nhập khẩu

Nhu cầu của người tiêu dùng tại quốc gia nhập khẩu tăng tạo động lực cho quốc gia sở tại tăng cường xuất khẩu. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà kinh doanh lạc quan vào triển vọng trong tương lai về doanh số bán được bên cạnh sự tăng giá bán sản phẩm do lượng cầu tăng.

c. Khả năng sản xuất của quốc gia xuất khẩu

Mẫu mã, chất lượng, sản lượng sản phẩm đáp ứng được thị hiếu quốc tế thì tiềm năng phát triển, khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu cũng như doanh nghiệp xuất khẩu sẽ rất cao trên thị trường quốc tế.

d. Trình độ phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật, dịch vụ xuất khẩu

Cơ sở hạ tầng tiên tiến, kho bãi, đường xá thuận tiện và hiện đại, dịch vụ xuất khẩu với chuyên môn hóa cao giúp chi phí logistic giảm dẫn đến giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

e. Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu

Sự cạnh tranh lành mạnh sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững. Cạnh tranh giúp các doanh nghiệp xuất khẩu không ngừng đầu tư phát triển công nghệ, chất lượng sản phẩm. Đồng thời cạnh tranh cũng góp phần đào thải những doanh nghiệp yếu kém, chưa đủ năng lực.

 

2. Nhân tố khách quan thế giới

Các nhân tố khách quan thế giới tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu là gì?

a. Tỷ giá hối đoái

Khi tỷ giá hối đoái tăng thì đồng nội tệ tăng giá so với ngoại tệ, giá hàng hóa xuất khẩu trở nên đắt hơn, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung xuất khẩu và ngược lại. Do vậy, việc giảm giá đồng nội tệ là chính sách phổ biến của các quốc gia nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với đó, việc nhập khẩu hàng hóa tăng lên nếu tỷ giá hối đoái giảm xuống vì khi đó giá hàng nhập khẩu giảm so với hàng hóa trong nước.

b. Tình hình kinh tế, chính trị thế giới

Mặc dù đây là yếu tố vĩ mô nhưng có tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất khẩu. Một cuộc chiến tranh thương mại, một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hay thậm chí một đại dịch sẽ làm xuất nhập khẩu của mọi quốc gia rơi vào tình huống khó khăn. Ví dụ điểm hình cho tác động của yếu tố này là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng do các biện pháp đóng cửa biến giới để phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia trong năm 2020.

 

V. Quy trình xuất nhập khẩu

Bên cạnh những nội dung nêu trên, quy trình cũng là một trong những nội dung quan trọng, cần đặc biệt quan tâm khi tìm hiểu về chủ đề xuất nhập khẩu là gì. Ngành xuất nhập khẩu nói chung bao gồm hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu với quy trình thực hiện riêng biệt như sau:

1. Quy trình xuất khẩu

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua biên giới quốc gia được thực hiện theo quy trình bao gồm các bước như sau:

Bước 1: Xin giấy phép xuất khẩu hàng hóa

Đây là thủ tục bắt buộc và rất quan trọng nếu quý khách hàng muốn xuất khẩu một mặt hàng nào đó. Tuy nhiên hiện nay, đối với một số mặt hàng được quản lý theo cơ chế riêng như gạo, sách báo, tác phẩm nghệ thuật,…) được toàn quyền xuất khẩu miễn là hàng hóa đó phù hợp với nội dung đăng ký kinh doanh trong nước của doanh nghiệp.

Bước 2: Chuẩn bị hàng hóa xuất khẩu

Ở bước này, doanh nghiệp xuất khẩu chuẩn bị 2 phần việc chính là gom hàng thành lô và đóng gói hàng hóa. Việc gom hàng thành lô được thực hiện trên quy mô lớn nên doanh nghiệp cần chuẩn bị sớm cho công tác này và chú ý đầy đủ hàng hóa.

Công tác đóng gói hàng hóa là rất quan trọng và không thể thiếu khi xuất khẩu. Thông thường, hàng hóa được đóng vào bao, kiện, thùng,… rồi chất vào container. Việc xếp hàng hóa vào container được thực hiện một cách dễ dàng, nhanh chóng và tối ưu bằng thiết bị xe nâng hạ hiệu xuất cao. Bên cạnh đó, việc đánh mã ký hiệu để thể hiện những thông tin cần thiết phục vụ cho việc giao nhận, bốc dỡ và bảo quản.

Bước 3: Kiểm tra chất lượng hàng hóa

Trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu tiến hành kiểm tra chất lượng hàng hóa để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, tránh hậu quả xấu và xác định trách nhiệm của từng bên trong quá trình vận chuyển. 

Bước 4: Mua bảo hiểm hàng hóa

Bảo hiểm hàng hóa cho hoạt động xuất nhập khẩu là gì? Bảo hiểm hàng hóa là không bắt buộc, tuy nhiên lại là điều cần thiết đề phòng trường hợp rủi ro, tổn thất trong quá trình vận chuyển.

Bước 5: Thuê đơn vị và phương tiện vận tải

Tùy thuộc vào từng loại hàng hóa và khối lượng hàng hóa để chọn thuê phương tiện vận tải phù hợp (Ví dụ: hàng nông sản tươi cần thuê container lạnh, mặt hàng vải vóc chỉ cần container thường,…). Với những lô hàng đòi hỏi thời gian nhận hàng sớm thường được vận chuyển bằng đường hàng không, những lô hàng lớn và không quá gấp thường đi theo đường biển để tiết kiệm chi phí hơn.

Bước 6: Làm thủ tục hải quan và đưa hàng lên tàu

Làm thủ tục hải quan là bước bắt buộc, được quy định trong các văn bản pháp luật. Có 3 công tác chính trong bước này là khai báo, xuất trình hàng hóa và thực hiện các quyết định hải quan. Đến thời gian giao hàng, chủ lô hàng phải làm thủ tục giao nhận hàng theo những quy định trên hợp đồng.

Bước 7: Làm thủ tục thanh toán

Đây là khâu cuối cùng trong quy trình xuất khẩu hàng hóa và là khâu rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh thương mại. Hiện nay có 2 phương thức kinh doanh chính là thu tín dụng (LC) và thu hộ.

Bước 8: Khiếu nại và giải quyết khiếu nại nếu có

Những trường hợp xảy ra sai sót, hư hỏng hàng hóa thì các bên liên quan sẽ tiến hành giải quyết trong bước này. Nếu không thể tự thỏa thuận và giải quyết, có thể tiến hành khiếu nại, thậm chí kiện ra tòa để đòi lại lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

2. Quy trình nhập khẩu

Có sự khác biệt nhất định so với quy trình xuất khẩu, quy trình nhập khẩu được thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Ký hợp đồng ngoại thương

Hợp đồng ngoại thương được ký kết giữa doanh nghiệp nhập khẩu và đối tác nước ngoài nhằm thống nhất các điều khoản mua bán hàng hóa cũng như khi vận chuyển, giao nhận và ràng buộc pháp lý giữa hai bên. Tùy vào thỏa thuận trong hợp đồng để xác định bên mua hay bên bán là người book tàu. Dù là bên nào thì cũng thực hiện giống nhau trong.

Quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa đường biển

 

Bước 2: Xin giấy phép nhập khẩu và theo dõi quá trình vận chuyển

Quý khách hàng cần xin phép nhập khẩu nếu hàng hóa nằm trong danh mục cần cấp phép mới được nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc theo dõi quá trình đóng hàng, vận chuyển hàng cũng rất quan trọng để kịp thời giải quyết những tình huống phát sinh nếu có.

Bước 3: Nhận và kiểm tra chứng từ

Sau khi hàng hóa được đóng xong, bên đối tác sẽ gửi chứng từ tới qua email hoặc đường hàng không. Việc nhận và kiểm tra chứng từ là rất quan trọng, tránh sai sót sau này.

Bước 4: Làm thủ tục nhập khẩu

Để biết chính xác thời gian hàng về tới cảng, quý khách hàng có thể theo dõi trên website của hãng tàu mà bạn đã book, nhiều hãng tàu sẽ có những thông báo tới bạn qua email nếu hàng đã về. Khi nhận hàng, bạn cần chuẩn bị chứng từ để khai tờ khai hải quan và đóng thuế đầy đủ theo quy định của nước sở tại.

Bước 5: Khiếu nại và giải quyết khiếu nại nếu có

Giống như bước cuối cùng trong quy trình xuất khẩu, nếu hàng hóa gặp sự cố hoặc có bất kỳ sai sót, hư hỏng nào, quý khách hàng hoàn toàn có thể khiếu nại nhà cung cấp và đơn vị vận chuyển để đòi lại đầy đủ quyền lợi của doanh nghiệp mình liên quan đến lô hàng đó.

Trên đây là tất cả những thông tin cần biết về chủ đề Xuất nhập khẩu là gì. Hy vọng rằng những chia sẻ này của Hatech sẽ giúp ích cho bạn.

Thông tin liên hệ

  • VPGD: Km1, Quốc Lộ 3, Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội

  • Nhà máy: Km1, Quốc Lộ 3, Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội

  • Hotline: 0904.691.888

  • Websitehttps://giakehatech.com/

  • Email: vuhoanganh@hatechltd.vn; giake@hatechltd.vn

2019 Copyright © Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hatech. All rights reserved.